Mắt biếc – một tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là dấu chấm hoàn hảo kết lại một năm đầy biến động của điện ảnh Việt.
Review phim:
Đã rất rất lâu rồi khán giả mới chứng kiến các bộ phim điện ảnh tung hoành tại các rạp chiếu phim, khiến các bom tấn Hollywood như Cats phải dời lịch chiếu. Tại các rạp chiếu phim trên khắp toàn quốc, Chị chị em em và Mắt biếc kín suất chiếu từ sáng đến tối. Nếu Chị chị em em cuốn hút người xem bởi trailer phim nóng bỏng, thì Mắt biếc lại là cả tuổi thơ được mọi thế hệ khán giả trông đợi.
Trung thành với nguyên tác và một chút cải biên
Mắt biếc là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dưới góc nhìn của Ngạn – chàng trai xuất thân từ ngôi làng Đo Đo nghèo khó và đem lòng yêu cô gái “mắt biếc” xinh đẹp của Đo Đo cả nửa đời người.
Với bất cứ ai đã từng đọc tiểu thuyết thì có thể dễ dàng kết luận bộ phim được chuyển thể bám sát với nguyên tác, với hầu hết các tình tiết trong phim đều được đưa lền màn ảnh đầy đủ. Còn với những khán giả chưa đọc cuốn tiểu thuyết trước đó, Ngạn và Hà Lan không phải là tuổi thơ được chờ đợi, nhưng sẽ là những cảm xúc đủ khiến người xem lặng người và khóc thương cho số phận của Ngạn, của Hà Lan, của Trà Long và của cả cô giáo Hồng.
Mắt biếc là câu chuyện từ thuở bé cho đến khi trở thành một người đàn ông trung niên của Ngạn. Vậy nên thời lượng phim khá dài – gần 2 tiếng đồng hồ, trong phim các mốc thời gian được cân bằng tốt theo từng giai đoạn phát triển của các nhân vật. Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến cho rằng tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan diễn ra khá nhanh; điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi vì đó là những năm tháng đẹp nhất của đôi bạn khiến ai cũng lưu luyến, nhưng mọi biến cố chỉ xảy ra khi Ngạn và Hà Lan lên thành phố học nên giai đoạn ở làng Đo Đo phải rút ngắn hơn để nhường cho Ngạn và Hà Lan tuổi trưởng thành.
Theo dõi Mắt biếc, khán giả sẽ thấy một Ngạn chung tình với cô gái đầu tiên khiến anh rung động từ thuở thằng bạn thân còn ị đùn. Ngạn có thể âm thầm bên cạnh bảo vệ Hà Lan, đè nèn tình cảm của mình để bên Hà Lan những ngày cô bị tất cả mọi người xa lánh vì chửa hoang, rồi lại trở thành một người cha “tạm” chăm lo con gái của người thương cho đến khi trở thành một người đàn ông 35 tuổi trầm ổn. Hẳn nhiều người sẽ ngưỡng mộ Ngạn vì tình cảm chung thủy dành cho Hà Lan, nhưng cũng tin chắc rằng sẽ có nhiều ý kiến cho rằng Ngạn quá ngu ngốc khi mãi ôm một mối tình trong vô vọng. Ai cũng có quyền phán xét, nhưng Ngạn là Ngạn, chẳng phải là ai khác nên chẳng ai có thể hiểu vì sao Ngạn mãi không thể thoát ra được đôi “mắt biếc” đó. Chỉ biết rằng Ngạn đã nhút nhát bỏ lỡ cơ hội của chính mình, nên giọt nước mắt tiếc nuối của Ngạn là điều anh buộc phải nhận về mình.
Còn Hà Lan có thể khiến nhiều người ghét vì ham mê đô thị phồn hoa mà bỏ lỡ người yêu thương mình thật lòng, lẫn chuyến xe cuối cùng. Thế nhưng chúng ta không phải là Hà Lan, không phải là cô gái hụt hẫng nơi đồi Sim khi chàng trai mình thương không dám ngỏ lời, cũng không phải là cô gái phải đóng kín cửa trốn cả thế giới khi không chồng mà chửa. Chỉ có Hà Lan mới cảm nhận được hết tất cả những hối hận vì tuổi trẻ nông nổi khi nhìn con gái ngày một lớn dần, cũng chỉ có Hà Lan mới biết trong lòng mình có bao đau đớn và tiếc nuối khi nhìn chàng trai bên cạnh luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để ôm cô vào lòng yêu thương và chở che.
Phim Mắt biếc lần này có sự xuất hiện của một nhân vật mới không có trong tiểu thuyết, đó là Hồng. Trong một bộ phim với những cảm xúc chỉ là nốt trầm, thì Hồng như ánh nắng giúp tác phẩm có những khoảnh khắc tươi sáng và đầy hài hước, cô cũng góp phần mang đến góc nhìn khách quan hơn cho mối tình đơn phương của Ngạn.
Cái kết mở của bộ phim mang đến cho khán giả một cánh cửa vẫn còn ngỏ cho mối tình của Ngạn dành cho Hà Lan sau mấy chục năm ôm một bóng hình mãi không quên. Không còn là tiếc thương cho Ngạn như trên những trang sách, dù chưa phải là điều khán giả mong muống nhưng đã quá thỏa mãn những người yêu thương Ngạn khi đọc Mắt biếc.
Dàn diễn viên trẻ xuất sắc
Trần Nghĩa (Ngạn), Trúc Anh (Hà Lan), Khánh Vân (Trà Long), Thạch Tâm (Hồng), Trần Phong (Dũng) đều là những gương mặt trẻ trong làng điện ảnh. Song diễn xuất của tất cả các diễn viên đều tròn vai, mang đến các nhân vật sinh động như bước ra từ chính trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Trần Nghĩa thành công mang đến Ngạn trẻ trung khi còn khoác áo đồng phục, đĩnh đạ và trầm ổn khi bước vào tuổi trung niên. Ngạn của Trần Nghĩa khiến nhiều người phải rơi nước mắt khi chứng kiến chuyện tình đầy éo le của Ngạn.
Hà Lan của Trúc Anh ngày mới lớn trong trẻo, xinh đẹp rạng ngời, đặc biệt là đôi mắt sâu hun hút u buồn chỉ chực rơi nước mắt. Lần đầu đảm nhận vai chính trong một tác phẩm điện ảnh, Trúc Anh đã thể hiện tốt những phân cảnh Hà Lan trước khi gặp Dũng. Nhưng càng về sau Trúc Anh phải gồng mình để hóa thân vào hình ảnh một người con gái bị phản bội, phải một mình sinh con. Đến khi vào vai Hà Lan tuổi trung niên càng cho thấy rõ Trúc Anh bị hụt hơi với diễn xuất gượng gạo và đài từ thiếu đa dạng, không thể toát lên được trọn vẹn cảm xúc của Hà Lan tuổi xế chiều.
Trái ngược với Hà Lan u buồn, Trà Long của Khánh Vân mang đến niềm vui cho cuộc đời Ngạn và cho cả bộ phim. Khuôn mặt rạng rỡ của Khánh Vân giúp cô hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, có những phân cảnh còn lu mờ được cả Hà Lan.
Dũng của Trần Phong và Hồng của Thạch Tâm đều là những nhân vật thú vị, có diễn xuất ấn tượng. Tuy nhiên thời lượng xuất hiện trên phim ít nên khiến khá nhiều khán giả tiếc nuối.
Âm nhạc và hình ảnh
Tin chắc rằng khán giả đều sẽ đánh giá âm nhạc của Mắc biếc đặc biệt xuất sắc với những ca khúc được Phan Mạnh Quỳnh viết riêng cho Mắt biếc. Có chàng trai viết lên cây, Từ đó, Tôi chỉ muốn nói vang lên khiến cho mọi khán giả nhưng bị hút vào những lời ca chân thật và mộc mạc của chàng trai suốt cả một đời chẳng dành nổi cái liếc mắt dành cho ai khác ngoài cô gái trong lòng.
Tuy nhiên phần âm nhạc trong phim lại bị lạm dụng khá nhiều, đặc biệt là ca khúc Có chàng trai viết lên cây. Những đoạn nhạc nền không cần thiết khiến những tình huống cần âm nhạc để đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thêm vào đó phần thể hiện của ca sĩ trong phim chưa thể khiến khán giả nổi da gà như bản thể hiện của Phan Mạnh Quỳnh.
Phần hình ảnh trong phim cũng khiến nhiều người ngất ngây bởi vẻ đẹp trong trẻo của làng Đo Đo, đồi Sim hay phố Huế mộng mơ bên dòng sông Hương hiền hòa. Thế nhưng đạo diễn Victor Vũ cũng gặp phải vấn đề là khá lạm dụng hình ảnh với nhiều khung hình bị lặp đi lặp lại khiến cho nhiều phân đoạn trở nên lê thê không cần thiết.
Mắt biếc dù vẫn còn một vài hạt sạn, song không thể phủ nhận đây là một tác phẩm điện ảnh tốt. Bộ phim hiện đang được công chiếu tại Touch Cinema.
Chúc các bạn xem phim cui vẻ!