Sau 1 tuần không có tác phẩm điện ảnh nào nổi bật. Cuối tuần này touch cinema trân trọng kính mời các bạn đến rạp và thưởng thức siêu phẩm Ký Sinh Trùng (Parasite) - bộ phim xuất sắc giành được giải thưởng Cành cọ vàng danh giá nhất liên hoan phim Cannes 2019.
Review phim:
Cái tên Ký Sinh Trùng có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả nghĩ ngay đến dòng phim kinh dị, nhưng không đây là một tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội được xây dựng đặc biệt xuất sắc. Bộ phim chắc chắn sẽ thu hút khán giả ngay từ những giây đầu tiên cho đến khi kết thúc.
Kịch bản phim đỉnh của đỉnh
Bộ phim là câu chuyện về 2 tầng lớp xã hội hoàn toàn tách biệt với nhau - giới nhà giàu hay còn gọi thượng lưu và giới nhà nghèo hay còn gọi là hạ lưu. Trong khi một bên có thể tận hưởng tất cả mọi thứ tốt nhất trên đời, kẻ hầu người hạ thì tầng lớp còn lại là những kẻ phải sống trong hoàn cảnh túng thiếu, không việc làm, không đồ ăn và phải tìm mọi cách để tồn tại thậm chí là lừa dối người khác.
Kịch bản phim được xây dựng rất tốt, theo đúng trình tự phát triển từ gợi mở, đi vào câu chuyện chính thức, đến cao trào và kết thúc. Người xem sẽ nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện của hai gia đình, cách mà những người nhà giàu tin tưởng vào lời giới thiệu của "người quen" và cách "người quen" lợi dụng lòng tốt của người giàu để từng bước lên kế hoạch đổi đời.
Đạo diễn chậm rãi đưa khán giả vào một câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đầy bất ngờ với những cú twist đầy ấn tượng với những khoảnh khắc căng thẳng đến không dám thở hay sợ hãi đến dựng cả tóc gáy.
Đầu phim khán giả sẽ có được những tiếng cười đầy hài hước và vui vẻ đến từ các thành viên của gia đình nhà nghèo. Bằng sự thông minh và mưu trí của mình họ lần lượt lên kế hoạch tạo công ăn việc làm cho mỗi người trong gia đình, thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Những tình huống éo le họ gặp phải trong suốt quá trình đó khiến người xem phá lên cười cực kỳ sảng khoái. Tuy nhiên trí tuệ không được sử dụng đúng lúc đúng chỗ, nên đã phát sinh những tình huống mà chúng ta vẫn thường hay nói “đi đêm lắm có ngày gặp ma”.
Càng về sau nhịp phim càng trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn, khiến khán giả không dám rời mắt khỏi màn hình vì sợ bỏ lỡ tình tiết quan trọng nhất trong phim. Những tình huống "lật kèo" đầy ma mãnh mà không hề có một dấu hiệu báo trước, yếu tố hài mất dần thay vào đó là một chút hơi hướng của thể loại kinh dị kết hợp hành động mang đến cảm giác hồi hộp, lo lắng, hoảng sợ và đầy ám ảnh.
Cái kết cuối cùng đưa khán giả quay lại cái vòng luẩn quẩn, chỉ khác là "Ký Sinh Trùng" lại thuộc về một người khác. Đạo diễn phim cho thấy một thông điệp rõ ràng: nếu bản thân không tự mình nỗ lực thì cuộc sống sẽ không thể nào tốt đẹp hơn vì vận may không thể mãi đi theo.
Hình tượng “ký sinh trùng” hút máu được khắc họa chân thật với những tình huống chui rúc dưới gầm giường, chân bài hay trong căn hầm ẩm thấp kín như bưng. Tất cả những hình ảnh này đã làm bật lên khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, người giàu sẽ luôn có những lời đánh giá về người nghèo theo góc nhìn riêng của họ.
Ký Sinh Trùng là một trong số ít những tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng danh giá tại liên hoan phim quốc tế mà nhận được đánh giá cao từ phía khán giả. Thông thường những tác phẩm này thường mang tính nghệ thuật nhiều hơn và khó chinh phụ được thị hiếu khán giả. Song Ký Sinh Trùng đã chứng minh điều ngược lại với 8,6/10 điểm trên IMDB và 98% điểm tươi trên Rotten Tomatoes – đây là những con số cực kỳ cao đối với một tác phẩm điện ảnh châu Á.
Diễn viên và diễn xuất đầy ấn tượng
Bộ phim có khá nhiều tuyến nhân vật song diễn viên nào cũng hoàn thành vai diễn của mình đầy xuất sắc.
Trong gia đình nhà giàu, hai vợ chồng chiếm sóng nhiều hơn hai đứa con. Người vợ là một bà nội trợ điển hình, hiền lành và tin người quá mức; từ gương mặt, hành động và cử chỉ của cô đều thể hiện rõ ràng điều đó. Còn người chồng với đôi mắt gian xảo của thương nhân sẽ khiến khán giả đôi khi phải giật mình thay màn kịch của gia đình nhà nghèo vì đôi mắt đó dường như có thể nhìn thấu chân tướng tất cả mọi việc.
Diễn xuất của các thành viên trong gia đình nhà nghèo cũng được thể hiện rất tốt. Anh con trai có khuôn mặt non nớt rất hợp với tính cách hiền lành và lương thiện nửa đầu phim, nhưng càng về sau đôi mắt càng thể hiện rõ dã tâm của một kẻ không cam chịu số phận; đặc biệt những phân cảnh cuối cùng sau khi rời khỏi bệnh viện được anh thể hiện rất tốt ngang cơ với Lee Kwang Soo trong Thằng em lý tưởng. Cô em gái là người mưu mẹo nhất phim nhưng lại là người chịu cái kết thảm khốc nhất, khí chất quý tộc và tính cách điềm tĩnh của cô rất phù hợp với nhân vật này. Bà vợ lại mang hình tượng của một người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội đúng nghĩa, bản tính kì kèo của những người phụ nữ có nhu cầu ăn tiêu nhiều hơn kiếm được và gương mặt của bà ta khi được bước chân vào giới nhà giàu lại khiến khán giả khó có thể nhìn vừa mắt. Cuối cùng là ông chồng với khuôn mặt kinh điển của những kẻ nịnh hót, chỉ vì vài lời nói của ông chủ mà có hành động rất đáng khinh, cuối cùng lại rơi vào cái tình cảnh mà ông ta từng coi thường.
Tất cả các nhân vật trong phim đều diễn xuất tốt, tuy nhiên ấn tượng nhất đối với Touch Cinema lại là bà quản gia cũ và ông chồng ăn bám suốt nhiều năm của bà ta. Hình ảnh đêm hôm ấn chuông cửa của bà ta khiến nhiều người xem phải lạnh gáy, đặc biệt gương mặt nửa cười nửa không đã làm cho khán giả không thể nào ngăn nổi suy nghĩ về những điều nguy hiểm sẽ đến khi cửa được mở. Còn ông chồng dù thời lượng phim cực kỳ ngắn nhưng cũng đã đủ khiến khán giả phải lạnh gáy, đặc biệt điệu cười nửa miệng đầy nham hiểm thình lình phát ra trong đêm tối.
Âm thanh, hình ảnh
Touch Cinema cũng đánh giá rất cao phần hình ảnh của phim, tất cả những khung hình được sắp xếp cực kỳ liên kết và ấn tượng nên cho dù bối cảnh phim phần lớn chỉ xảy ra trong hai ngôi nhà nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc khác nhau, hoàn toàn không hề nhàm chán. Theo dõi phim điện ảnh Hàn đã lâu, song Touch Cinema chưa từng thấy một tác phẩm nào lại có thể để ý đến các tiểu tiết rất nhỏ dù các nhân vật đó đã ra khỏi khung hình; ví dụ như khi bà quản gia bị đuổi ra ngoài thì bóng điện bên trong tầng hầm bị tắt, rất hiển nhiên vì khi bước ra khỏi khung hình là bà quay lại với công việc của mình và tắt đèn khi không sử dụng là nhiệm vụ của quản gia – chi tiết nhỏ nhưng lại thể hiện được sự tinh tế và tỉ mỉ của đạo diễn Bong Joon Ho. Ấn tượng nhất trong phim là cảnh khi căn nhà dưới tầng hầm bị ngập và chiếc bồn cầu vốn là nơi ô uế nhất trong các gia đình lại trở thành nơi trú ẩn lý tưởng nhất.
Âm thanh của bộ phim cũng được xử lý tốt với tiếng động được khắc họa chân thật, từ tiếng mưa rơi, tiếng ngáy của ông chủ nhà trong giấc ngủ cho đến không khí âm u rùng rợn trong căn hầm. Tất cả đều được khắc họa rất tuyệt.
Ký sinh trùng là bộ phim điện ảnh cực kỳ đỉnh cao của xứ sở kim chi, sẽ rất đáng tiếc nếu bỏ qua tác phẩm này. Vậy nên hãy đến Touc Cinema và thưởng thức tác phẩm này nhé.
Chúc các bạn xem phim vui vẻ!